Bệnh ho cũi chó gây ra nhiều nhất ở chó dưới 6 tháng tuổi. Chó nhập từ nước ngoài, chó chuyển vùng vào đợt đợt rét lạnh, ẩm ướt. Hoặc chó bị nhiều stress bất lợi khác… Đều có khả năng mang căn bệnh “Viêm khí quản – phế quản truyền nhiễm” – Infectious Trachebronchitis. Hay còn gọi là “Bệnh ho khan” “ho như tiếng ngỗng kêu”. Một số tài liệu dịch sang Tiếng Việt là “Bệnh Ho ở cũi chó” (Tiếng Anh: Kennel Cough).
Ở Việt Nam, giai đoạn chuyển mùa ở miền Bắc với nhiều đợt đón gió lạnh, độ ẩm cao, chó bị ho và dễ mắc bệnh nhất. Thực chất ho cũi chó là một dạng viêm cuống phổi. Tương tự như bệnh viêm phổi thường thấy ở người. Căn bệnh này phổ biến toàn thế giới và hầu như mọi chú chó đều nhiễm bệnh ít nhất một lần trong đời.
Nguyên nhân gây bệnh ho cũi chó
Vi khuẩn gây bệnh do Virus Canine parainfluenza kết hợp với một số vi khuẩn khác ở đường hô hấp khiến chó bị ho như: Bordetella bronchiseptica… Mycoplasma có thể được lan truyền trong không khí. Bệnh ho cũi chó thường lây lan ở những nơi khép kín như trong cũi hay chuồng động vật. Ngoài ra chó có thể lây bệnh tại các bệnh viện, lớp huấn luyện hoặc các cơ sở chăm sóc cún cưng.
Chó của bạn có thể nhiễm bệnh do dùng chung bát đựng nước ở những nơi công cộng như công viên, hoặc chỉ tiếp xúc ngắn với một chú chó mắc bệnh. Vì thế sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch cho chó trong trường hợp này là rất cần thiết.
Triệu chứng khi chó bị ho khạc
Bệnh ho cũi chó lây lan nhanh làm chết nhiều chó với các triệu chứng chó bị ho khạc kéo dài từ 7- 21 ngày do viêm đường hô hấp trên. Mặc dù lúc đầu vẫn ăn khỏe, nhanh nhẹn, không sốt, khó có thể biết chó đã mang bệnh.
Quan sát kỹ: mắt không trong sáng, có rỉ ghèn, gương mũi luôn luôn khô, ráp và chảy dịch xanh, hay liếm mũi rồi nuốt dịch, hắt hơi khi có nhiều dịch chảy ra… Bệnh chuyển sang mạn tính, chó gầy sút nhanh do kế phát các bệnh vi khuẩn, virus khác: Parvovirus, Carre… Tiêu chảy, phân nát có nhày máu, hôi tanh, nôn ra dịch nhớt vàng từ dạ dày lẫn nhớt, rối loạn chức năng gan, thận và chết đột ngột do khó thở, trụy hô hấp, mất nước và trụy tim mạch.
Bệnh thường diễn biến kéo dài tới nhiều tuần, thậm chí tới 2 tháng. Những con được chữa trị theo triệu chứng, tưởng chừng đã khỏi, sau vài tuần bị lại, tỷ lệ tử vong rất cao. Giai đoạn cuối của bệnh khi sức đề kháng giảm sút, chó bị ho chuyển sang: tiêu chảy có máu, loạng choạng, run rẩy, xuất hiện từng cơn co giật động kinh.
- Ho khan là triệu chứng phổ biến nhất.
- Tiếng ho nghe như tiếng ngỗng kêu.
- Nôn ọe, trớ.
- Chảy nước mũi.
- Trong trường hợp bệnh nhẹ, chó vẫn có thể sinh hoạt và ăn uống bình thường.
- Ở những trường hợp nặng hơn, các triệu chứng có thể diễn biến phức tạp. Bao gồm: chó bị cảm lạnh , viêm phổi, chán ăn, sốt, hôn mê. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
- Chó con chưa được tiêm phòng, hay chó bị suy giảm hệ miễn dịch có khả năng mắc phải các triệu chứng nghiêm trọng nhất.
Phương thức lây lan khiến chó bị viêm phế quản
Bệnh ho cũi chó hay còn gọi là bệnh viêm phế quản ở chó lây thông qua môi trường, dụng cụ chăn nuôi, chất thải ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp giữa chó mang trùng và chó khỏe. Đặc biệt các nơi tập trung nhiều chó nguồn gốc khác nhau hoặc không rõ nguồn gốc.
Các giống chó ngoại như: Saint Bernard, Tibetan Mastiff (Thần khuyển Ngao tây tạng), Bulldog, Phốc sóc, Husky, Dachshund, Pug… Sức đề kháng kém hơn chó ta, chó tỏ tỷ lệ mắc bệnh và tử vong khá cao. Chó nuôi tại miền Bắc khí hậu lạnh và ẩm ướt mắc bệnh trầm trọng và khó chữa hơn chó nuôi ở miền Nam. Vì vậy cần sử dụng những bộ quần áo cho chó đủ ấm, để chúng khỏi bị nhiễm lạnh.
Chẩn đoán viêm khí quản – viêm phế quản truyền nhiễm
Chủ yếu căn cứ triệu chứng lâm sàng và Dịch tễ học (phương thức lây lan). Chẩn đoán xét nghiệm phân lập virus, vi khuẩn trong phòng thí nghiệm kết quả không cao và không kịp thời. Chụp X-quang phổi chỉ rõ khi đã mắc bệnh kéo dài viêm phổi kế phát do vi khuẩn.
Chẩn đoán ho cũi chó còn phụ thuộc vào các triệu chứng. Tiền sử bệnh lí cũng như mức độ tiếp xúc của chúng với các chú chó khác. Để có được cái nhìn chính xác nhất. Bạn cần cung cấp đầy đủ tiền sử bệnh của cún và những dấu hiệu ban đầu khi cún vừa mắc bệnh.
Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu hoàn thiện. Bao gồm thử máu và phân tích các thành phần có trong máu. Bên cạnh đó là xét nghiệm nước tiểu. Kết quả xét nghiệm máu, cùng quá trình phân lập virus và nuôi cấy vi khuẩn sẽ là công cụ xác định chính xác cá thể gây ra bệnh ho cũi ở cún cưng.
Điều trị chó bị ho, viêm phế quản
Không có thuốc đặc hiệu chữa bệnh ho cũi chó. Phần lớn điều trị theo triệu chứng: Truyền bù dịch và điện giải, năng lượng, kháng sinh chống các bệnh kế phát. Trợ sức, hỗ trợ hô hấp và chăm sóc đặc biệt. Nếu phát hiện chó bị ho theo cơn, tốt nhất bạn hãy đưa nó đến phòng khám thú y. Trong một số trường hợp nhẹ hơn, bạn có thể để bệnh tự khỏi, nhưng vẫn phải theo dõi tình trạng bệnh của cún sát sao và lưu ý những điều sau:
- Chó mắc bệnh ho cũi nên được tách riêng khỏi những chú chó khỏe mạnh.
- Máy làm ẩm hoặc máy bốc hơi nước có thể xoa dịu bệnh. Bạn có thể cho cún vào phòng tắm trong lúc bạn tắm, hơi nước bốc lên có thể làm dịu khoang họng tấy rát của cún.
- Giữ cún tránh xa khói thuốc lá hay các loại khói độc hại, có mùi khó chịu.
- Bạn có thể dùng đến thuốc làm giảm các cơn ho hay thuốc chống vi khuẩn. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để biết chúng có tác dụng với chú cún của bạn hay không.
- Nếu thấy cún cưng kéo ngược lại dây đeo cổ khi được dắt đi bộ, dấu hiệu cho thấy cổ họng chúng đang khó chịu. Hãy thay các loại dây đeo vào ngang người cún.
- Đảm bảo thức ăn cho chó có đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Và ở trong môi trường không bị đe dọa, áp lực.
Tham khảo từ “The Dog Encyclopedia”- ANIWA Publishing, S.A. Và các bạn đồng nghiệp, các chuyên gia nuôi chó tại Việt Nam.
Lưu ý khi điều trị bệnh ho cũi chó
Thông thường, các dấu hiệu ho cũi chó sẽ giảm dần và biến mất sau khoảng 3 tuần. Đối với chó con, chó già hoặc bị suy giảm miễn dịch, con số này có thể lên tới 6 tuần hoặc hơn. Chó vẫn có thể mang lây nhiễm cho những con khác ngay cả khi các triệu chứng đã hoàn toàn biến mất.
Sau một tuần điều trị, tình trạng chó bị ho sẽ khá dần lên. Nhưng hãy để ý xem bao nhiêu lâu thì các triệu chứng bệnh hoàn toàn chấm dứt. Nếu cún cưng bị chảy nước mũi, thở gấp, không chịu ăn hay có dấu hiệu hôn mê, bạn cần đưa chúng đến bác sĩ thú y ngay lập tức. Nếu không điều trị kịp thời, các ca ho cũi nặng ở chó có thể dẫn đến viêm phổi.
Phương pháp phòng bệnh ho cũi chó
Cho đến nay tiêm phòng cho chó là biện pháp phòng bệnh đảm bảo nhất. Vacxin phòng bệnh này có trong liều vaccine đa giá các loại: 3-4-5-6-7 bệnh đang lưu hành trên thị trường. Nhưng hiệu quả miễn dịch thấp. Việc tiêm tiêm phòng cho chó đúng quy trình và đủ lần tiêm cho chó dưới 6 tháng tuổi cực kỳ quan trọng để ngừa bệnh lây lan.
Các bác sĩ thú y khuyến cáo: nên tiêm vaccine phòng bệnh parainfluenza 6 tháng 1 lần. Ngay cả với chó trưởng thành. Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để tìm ra loại vacxin phù hợp nhất. Vì một số loại vaccine có thể gây ra những tác dụng phụ đáng lo ngại. Các loại vaccine phòng ngừa viêm phế quản thường chỉ được dùng cho những chú chó với nguy cơ mắc bệnh cao.
Biện pháp nuôi cách ly ít nhất 2 tuần những con chó mới về chưa có an toàn dịch. Tẩy trùng và để trống khu nuôi có dịch một thời gian là rất cần thiết. Giữ ấm, khô ráo, dùng những loại thức ăn cho chó ăn hợp lý, đủ chất dinh dưỡng có giá trị tăng sức đề kháng, tăng hiệu quả miễn dịch.
Căn bệnh ho cũi chó này trước đây hầu như không ảnh hưởng đến con người. Tuy nhiên trong những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chó bị ho bởi virus bordetella có thể gây bệnh ở người. Nhất là những người có hệ miễn dịch suy yếu. Thông thường những người lớn khỏe mạnh có thể an tâm vì nguy cơ mắc bệnh rất thấp, nhưng trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch kém nên tránh đến gần và tiếp xúc với chó mắc bệnh ho cũi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét