‘Nghiện’ thú cưng vì cô đơn

Lý Ngọc từng rất ghét về nhà mỗi tối, thường rủ bạn bè đi ăn uống, xem phim đến khuya, nhưng mọi thứ đảo chiều khi cô nuôi chú mèo tên Xám.

Nữ nhân viên truyền thông 27 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) nói từ khi lên quản lý, công việc bận rộn, “áp lực không lúc nào giảm” khiến cô căng thẳng, kiệt sức. Lúc mệt mỏi, cô nhốt mình trong phòng trọ hoặc tìm đến đồ uống có cồn để giải tỏa bởi bạn bè đều bận, bản thân ngại chia sẻ với bố mẹ.

“Không ai có thể kiên nhẫn lắng nghe những ấm ức của tôi nên đành âm thầm chịu đựng”, Ngọc kể.

Từ ngày Ngọc nuôi Xám, mọi chuyện dần thay đổi. Cô nói thích cảm giác được con vật quấn quýt bên chân, nũng nịu đòi ăn hay ngủ chung. Cô dần có cảm giác được yêu thương, tinh thần phấn chấn trở lại.

Một thời gian sau Xám bị ung thư và mất. Ngọc tìm mua một chú chó phốc sóc, đặt tên là Hổ, giá 5 triệu đồng vì không chịu được cô đơn. Cô coi Hổ như con, thức ăn của chú cún hàng ngày là thịt bò mềm, hải sản, bổ sung vitamin và khoáng chất. Tuần một lần, Hổ được đi khám định kỳ, cắt tỉa lông và mua sắm quần áo để trưng diện vào dịp đặc biệt.

Mỗi tháng, Ngọc chi 8 triệu đồng cho cún cưng, coi đó là khoản đầu tư xứng đáng.





Hổ được cô chủ Lý Ngọc đặt mua quần áo và chụp bộ ảnh kỷ niệm vào Tết 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hổ được cô chủ Lý Ngọc đặt mua quần áo và chụp bộ ảnh kỷ niệm vào Tết 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Thư, 30 tuổi, ở Tây Hồ (Hà Nội) cũng nuôi hai chú chó giống poodle trong căn chung cư 70 m2. Công việc bận rộn và liên tục gặp gỡ bạn bè giúp cô không biết cảm giác cô đơn. Nhưng mọi thứ thay đổi vì dịch. Ở nhà một mình trong thời gian dài khiến Thư cảm giác bị cô lập, buồn chán, nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Sau khi khám tâm lý, cô được bác sĩ khuyên thử nuôi động vật.

Cuối năm 2020, Thư mua hai con chó đặt tên Thỏ và Nhím. Từ ngày đó, cô nói căn nhà luôn ngập tràn tiếng cười. Ngoài lúc làm việc, Thư sẽ cùng hai con vật đi dạo, nấu ăn hoặc tâm sự, cuộc sống cũng dễ chịu hơn.

Trở lại văn phòng hai năm dịch, cô đăng ký cho Thỏ, Nhím đi học mẫu giáo, tốn 4-5 triệu đồng một tháng vì sợ vật nuôi tự kỷ. “Tôi không ngại chi tiền cho những thứ giúp mình vui vẻ, vượt qua giai đoạn khủng hoảng”, Thư nói.

Chưa có thống kê chính thức nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy số người Việt nuôi động vật để bớt cô đơn, giảm căng thẳng như Lý Ngọc và Anh Thư không hiếm. Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội) cho biết, nuôi thú cưng là cách chữa lành tâm lý, giảm căng thẳng, áp lực, nhất là sau hai năm dịch bệnh khiến nhiều người phải ở nhà.

“Vật nuôi giúp người cô đơn, chưa lập gia đình hoặc thiếu nơi san sẻ có cảm giác an toàn, sống trách nhiệm hơn”, bác sĩ Hằng nói.

Theo bác sĩ, nhóm người nuôi thú cưng chủ yếu từ 28 tuổi trở lên, có kinh tế, muốn chia sẻ cảm xúc, giải tỏa căng thẳng. Điều này trùng với khảo sát của Pety – ứng dụng cho người yêu thú cưng tại Việt Nam, năm 2021. Theo đó, 48% có độ tuổi 23-35, 42% từ 18 đến 22 tuổi, 5,6% nhỏ hơn 18 tuổi và 4,4% trên 35 tuổi. Dân văn phòng nuôi nhiều nhất với 38,9%, học sinh, sinh viên chiếm 35%, freelancer (người làm việc tự do) 21,9%; chủ doanh nghiệp 3,3% và nội trợ 1%.





Nguồn: Pety. Đồ họa: Tiến Thành

Nguồn: Pety. Đồ họa: Tiến Thành

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng nhận định khái niệm “chăn nuôi thông thường” của người Việt xưa, nay trở thành “đồng hành cùng nhau”. “Ngày nay chúng ta nuôi chó, mèo không phải để bắt chuột, giữ nhà mà coi chúng như thành viên trong gia đình”, bà Hồng nói.

Sự thay đổi của văn hóa nuôi thú cưng tạo điều kiện để thị trường này phát triển mạnh mẽ. Thống kê những năm gần đây cho thấy nhu cầu mua thú cưng tại Việt Nam tăng cao. Báo cáo phân tích lượt tìm kiếm vật nuôi ở các nước Đông Nam Á của Công ty nghiên cứu thị trường iPrice cho thấy người Việt đứng thứ hai ở Đông Nam Á về thị trường tìm mua thú cưng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, người Việt có 1,9 triệu lượt tìm kiếm vật nuôi trên Google. Lượt hiển thị sản phẩm cho thú cưng cũng tăng 220% trong năm 2021.





Nguồn: iPrice

Nguồn: iPrice

Trong báo cáo ‘Covid-19 đã tác động thế nào đến hành vi mua sắm của người nuôi thú cưng năm 2021’ của Pety, chi phí dành cho thức ăn chiếm tỷ trọng cao nhất, với 93,4%. Đứng thứ hai là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, theo sau là phụ kiện, đồ vệ sinh, dịch vụ spa và huấn luyện.

Anh Nguyễn Hoàng Trung, 33 tuổi, người nuôi và nhân giống chó bull Pháp tại Hà Nội hơn 4 năm, cho biết mỗi năm cung cấp 70-100 con non ra thị trường, giá dao động 20-50 triệu đồng mỗi con. “Nhiều thời điểm tôi không đủ chó giống để bán”, anh nói.

Khoảng ba năm trở lại đây các dịch vụ dành cho thú cưng như vệ sinh, tắm hay khách sạn “phất” lên khá nhanh. Chị Trần Hà Thu, 36 tuổi, quản lý một tiệm chăm sóc chó mèo tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày cơ sở Hà Nội tiếp nhận trung bình từ 5 đến 7 con, cuối tuần tăng gấp đôi. Trung bình mỗi tháng phục vụ 150 – 200 vật nuôi đến tắm, vệ sinh và cắt tỉa lông. Các đợt cao điểm vào lễ, tết, nghỉ hè, khách hàng phải đặt trước.

Dịch vụ nhà trẻ dành cho thú cưng (Doggy Daycare) cũng được nhiều người lựa chọn. Anh Tạ Quốc Hải, 29 tuổi, chủ trung tâm dịch vụ trông giữ và chăm sóc thú cưng ở Hà Nội, cho biết cơ sở nhận trông giữ chó từ ba tháng tuổi. Giá trông giữ từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng mỗi ngày, tùy cân nặng. Hiện lớp trông chó theo mô hình bán trú của anh Hải có gần 50 học viên gửi cố định. Dịp nghỉ lễ, lượng thú nuôi gửi có thể lên đến 100 con.





Anh Hải đang cho cún trong nhà trẻ ăn bữa chiều, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Anh Hải đang cho cún trong nhà trẻ ăn bữa chiều, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Khẳng định dành tình cảm cho động vật là tốt, nhưng chuyên gia Nguyễn Ánh Hồng cảnh báo yêu chiều quá mức có thể khiến người chủ ngại giao tiếp xã hội; nảy sinh tâm lý nghiện động vật; dễ nổi nóng nếu ai có thái độ kỳ thị hoặc cảm giác suy sụp, không còn nơi gửi gắm tình cảm khi vật nuôi mất đi.

Vì quá yêu và coi Hổ như con khiến không ít lần Lý Ngọc nảy sinh mâu thuẫn, xích mích khi thấy người xung quanh có thái độ kỳ thị động vật. “Tôi chi tiền triệu để chăm sóc, tại sao tôi không được đòi quyền lợi cho chúng”, cô thắc mắc.

Còn với Anh Thư, dù đã có bạn trai nhưng địa vị của hai cún cưng vẫn cao hơn. “Nếu anh ấy không thể chấp nhận tôi nuôi nhiều hay cưng chiều chúng quá mức, thì có thể chia tay”, Thư khẳng định. Cô gái 30 tuổi cũng hạn chế ra ngoài buổi tối vì có cảm giác tội lỗi nếu để cún cưng ở nhà một mình.

Công Tuấn, 29 tuổi, ở TP HCM, thừa nhận bản thân “nghiện” nuôi thú cưng quá mức. Trước dịch, Tuấn đã nuôi 4 con mèo, nhưng khi toàn thành phố giãn cách, chàng trai 29 tuổi, tìm mua một con chó poodle, giá 8 triệu đồng. Thích cảm giác khi được vật nuôi quấn quýt, khỏa lấp cô đơn, Tuấn lần lượt đón thêm hai con poodle và một con corgi. Hiện anh nuôi 8 thú cưng, mỗi tháng chi khoảng chục triệu đồng cho tiền thức ăn, chăm sóc và vệ sinh.

Thu nhập tốt giúp Tuấn không gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng, nhưng phải rất kiềm chế để không mua thêm.

Ngoài khuyên người trẻ cần phải cân bằng giữa thú nuôi và các mối quan hệ xã hội để phát triển bản thân, chuyên gia Nguyễn Ánh Hồng cảnh báo việc nuôi thú cưng để khỏa lấp sự cô đơn hay học theo xu hướng “nuôi động vật thay vì sinh con” có thể gây ảnh hưởng đến độ tuổi kết hôn và tỷ lệ sinh ở Việt Nam.

Như Ánh Tuyết, 35 tuổi, ở TP HCM, đã thề không kết hôn, chỉ sống cùng hai con chó và một mèo. Là quản lý một công ty, Tuyết cho rằng bản thân độc lập, kinh tế vững nên không muốn chồng con gây cản trở sự nghiệp. Cô từng đau khổ khi chia tay mối tình đầu cách đây 7 năm. Để khỏa lấp sự cô đơn, người phụ nữ 35 tuổi chọn nuôi động vật. Quyết định này bị gia đình và bạn bè xung quanh phản đối, nhưng Tuyết bỏ ngoài tai.

“Vật nuôi giúp tôi có cảm giác bình yên, hạnh phúc và không lo bị ai đó phản bội. Khi sự cô đơn được giải quyết, tôi cần gì người yêu”, cô gái 35 tuổi nói.

Quỳnh Nguyễn



Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *