Nuôi đá làm thú cưng

Hàn QuốcLee So-hee sống một mình ở Seoul nhưng gần đây có niềm vui mới là chăm sóc viên đá nhỏ được bạn tặng.

Nữ nhân viên văn phòng 30 tuổi coi viên đá như một thú cưng. “Trò chuyện, mua đồ dùng cá nhân cho viên đá có thể khiến bạn bớt cô đơn và vui vẻ hơn chút”, Lee nói.

Nuôi đá làm thú cưng là trào lưu kỳ lạ từng xuất hiện ở Mỹ từ những năm 1970 nhưng mới xuất hiện ở Hàn Quốc thời gian gần đây. Người lao động tại quốc gia này có thời gian làm việc trong tuần khá dài và áp lực buộc bản thân phải tìm ra những cách khác thường để thư giãn, chữa lành tâm hồn. Một số người nằm trong quan tài tự tổ chức đám táng cho chính mình, ngồi thiền trong tù hay tham gia cuộc thi ngồi lâu nhất. “Nuôi đá” thay cho động vật là cách thư giãn mới nhất.

Lee, người làm việc trong một công ty dược phẩm, gọi hòn đá của mình là “cô bé”, luôn dùng khăn mềm làm chăn đắp cho chúng.

“Đôi lúc tôi cũng tâm sự với nó (hòn đá) về những gì đang xảy ra tại nơi làm việc. Tất nhiên hòn đá vô tri nhưng tôi thấy thoải mái như đang trò chuyện với một chú cún vậy”, Lee nói.

Lee So-hee đặt tên cho hòn đá đang nuôi là Hongduggae, cô thường xuyên đắp chăn và chăm sóc thú cưng mỗi ngày. Ảnh: LEE SO-HEE

Lee So-hee đặt tên cho hòn đá đang “nuôi” là ‘Hongduggae’, cô thường xuyên đắp chăn và chăm sóc “thú cưng” mỗi ngày. Ảnh: LEE SO-HEE

Ko Hyun-seo, 28 tuổi, ở thành phố Gimje đặt tên cho hòn đá của mình là “Is Real”. Ngoài cung cấp “chỗ ở”, Ko còn đặc biệt làm cho hòn đá của mình một chiếc mũ rơm nông dân.

“Mỗi khi về nhà việc đầu tiên tôi làm là kiểm tra tảng đá của mình vẫn ổn”, chàng trai 28 tuổi nói.

Nhiều thập kỷ trước, Gary Ross Dahl, một doanh nhân, giám đốc quảng cáo người Mỹ đã mở ra xu hướng nuôi đá làm thú cưng. Cuối năm 1975 có hơn một triệu viên đá thú cưng được bán ra ở Mỹ và trở thành món quà phổ biến, thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Nhưng một năm sau hiện tượng này dần biết mất.

Năm 2015, Gary Ross Dahl qua đời. Viên đá của ông được trưng bày tại Bảo tàng Đồ chơi quốc gia ở Strong, New York và được gọi với cái tên “đồ chơi kỳ lạ và khó hiểu nhất từng được tạo ra”.

Michelle Parnetr-Dwyer, người phụ trách bảo tàng, nói Dahl có lẽ sẽ rất vui khi thấy ý tưởng của bản thân được ưa chuộng ở quốc gia cách đây nửa vòng trải đất.

Hai hòn đá được chủ nhân chuẩn bị chỗ ngủ, làm thêm mũ đội. Ảnh: JIYOUNG SOHN/WSJ

Hai hòn đá được chủ nhân chuẩn bị “chỗ ngủ”, làm thêm mũ đội. Ảnh: JIYOUNG SOHN/WSJ

Kim Jin-guk, giáo sư tại Viện nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Đại học Hàn Quốc, tin rằng trong nhiều thế kỷ các nước Đông Á, bao gồm cả Hàn Quốc luôn coi trọng các loại đá trang trí bởi chúng tượng trưng cho sự ổn định, vĩnh cửu, tạo được niềm vui và cảm giác an toàn cho người sở hữu.

Các viên đá được người trẻ chọn lựa ngày nay có hình tròn, mịn, được bán với giá 7,5-11 USD, chưa bao gồm phụ kiện trang trí như kính, mũ, khăn quàng cổ. Người kinh doanh tại Hàn Quốc cho biết thị trường đá thú cưng trong nước đang rất phổ biến. Một công ty chuyên bán đá thú cưng tiết lộ có thể nhận được 150-200 đơn hàng mỗi tháng.

Lee So-hee thường xuyên mặc ấm cho đá thú cưng mỗi khi đưa ra ngoài đi dạo. Ảnh: LEE SO-HEE

Lee So-hee thường xuyên mặc ấm cho đá thú cưng mỗi khi đưa ra ngoài đi dạo. Ảnh: LEE SO-HEE

Koo Ah-young, nhân viên văn phòng 33 tuổi ở Seoul, cảm thấy kiệt sức trong công việc. Không muốn bạn bè, gia đình hay vật nuôi phải chịu năng lượng tiêu cực, cô đã mua hòn đá nhỏ và đặt tên “bang-bang-i”. Hàng ngày, Koo đều mang hòn đá đi làm, đi dạo hoặc đến phòng tập để có thể chia sẻ về mọi điều trong cuộc sống.

“Được chia sẻ tâm sự với “bang-bang-i” khiến tôi có cảm giác được lắng nghe và dần cân bằng cảm xúc”, người phụ nữ 33 tuổi nói.

Minh Phương (Theo WSJ)



Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *