Quyền nuôi chó: Tranh cãi từ chung cư đến phòng xét xử

Nửa đêm, điện thoại của chị Anh Khuê báo tin nhắn dồn dập: “Các anh chị xem giúp em chó nhà ai đang sủa ở tầng 20. Em đang ốm mệt quá mà ồn không ngủ được”.

“Chuẩn! Con em đang ngủ dậy khóc luôn”; “Các bạn quý chó đóng cửa lại chứ đau đầu chết được”; “Chó nhà X đấy, hôi lắm, sủa đau cả đầu, em gửi ghi âm cho nghe không bảo điêu”…, chị Khuê, 32 tuổi, sống tại chung cư quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ nội dung trong nhóm chat của cư dân vào đêm 5/2.

Chị Khuê nói chủ đề “nuôi chó, tiếng ồn” liên tục được nêu ra. Như nhiều chung cư ở Hà Nội, nơi chị ở không cấm nuôi thú cưng. Trong quy định, Ban quản lý chỉ nêu chung chung “cần có ý thức giữ vệ sinh, trật tự khu vực công cộng, không làm ảnh hưởng hộ khác”.

Đầu năm 2022, khi mới chuyển đến, vợ chồng chị Khuê tìm hiểu rất kỹ vấn đề này, do có ý định mang theo chú chó tên Chip về ở cùng. Đây là món quà chồng chị tặng 6 năm trước, nhưng việc nuôi con chó hiếu động, nặng tới 20 kg trong tòa nhà gần 300 hộ đã nảy sinh nhiều vấn đề.





Sau hai tháng ở chung cư, chị Khuê quyết định để Chip trở về ở cùng bố mẹ đẻ để chú chó không bị lạ nhà, hoảng loạn, đồng thời tránh ảnh hưởng cư dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau hai tháng ở chung cư, chị Khuê quyết định để Chip trở về ở cùng bố mẹ đẻ để tránh ảnh hưởng tới hàng xóm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Do nuôi chó, chị đóng kín cửa sổ, ban công, cửa nhà để tránh tiếng ồn hay mùi ảnh hưởng hàng xóm. Chị cũng dùng máy hút mùi, hút lông, vệ sinh hằng ngày. Nhưng khi vợ chồng đi làm, Chip lạ nhà nên sủa không dứt…

Chung cư nhiều trẻ nhỏ, chị Khuê rọ mõm và chỉ đưa chó xuống sân chơi bằng lối cầu thang bộ, luôn dùng dây dắt. Nhiều phụ huynh thấy vậy quát con tránh xa, nhìn chủ và con chó không thiện cảm, nói bóng gió: “Kinh chết đi được”. Tình hàng xóm đôi khi sứt mẻ chỉ vì đổ oan cho nhau bãi phân “chó nhà khác, không phải nhà tôi”.

Sau hai tháng, vợ chồng chị quyết định đưa Chip về lại chốn cũ, nhà bố mẹ đẻ. “Dù là người từng nuôi chó, tôi vẫn ủng hộ việc cấm nuôi chó ở chung cư, vì lợi ích của cả hàng xóm và vật nuôi của mình”, chị Khuê cho hay.

Với các phiền hà khó định mức độ thiệt hại như tiếng ồn, mùi và phóng uế, đa số cư dân thường chỉ có lựa chọn sống chung và không ngừng than phiền.

Anh Đức Hiếu, 43 tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) than đã quá mệt mỏi trong “cuộc chiến chó mèo” tại chung cư mình. Giữa năm 2022, ban quản lý chung cư anh Hiếu lấy ý kiến về việc thu phụ phí với những gia đình nuôi chó, mèo 100- 300.000 đồng mỗi tháng. Số tiền sẽ được chi vào việc chung, vệ sinh, cải tạo sân chơi trẻ em, vườn hoa…

Anh Hiếu phản đối việc thu phí do lo ngại, người nuôi chó sẽ vin vào việc đã “đóng phí nuôi chó” để hợp thức hóa việc làm phiền người khác. “Hơn nữa, tôi cũng chả thấy được lợi gì từ khoản thu này cả”, anh nói.

Thành viên ban quản trị một chung cư ở Hà Nội cho hay “đến sân chơi cho trẻ em, khu tôi còn không có, nữa là hạ tầng dành cho nuôi chó, mèo. Luật pháp không cấm nuôi, còn Ban quản lý chúng tôi như “dâu trăm họ”, chỉ có thể nhắc nhở, hòa giải quanh năm”.





Chó thả rông, không rọ mõm nơi công cộng trở thành ám ảnh của nhiều người. Ảnh: Ngọc Thành

Chó thả rông, không rọ mõm nơi công cộng trở thành “ám ảnh” của nhiều người. Ảnh: Ngọc Thành

Mâu thuẫn từ việc nuôi chó trong chung cư còn bị đẩy lên đến mức không thể hòa giải. Theo trình bày của chị Võ Thị Dung, 39 tuổi trong phiên tòa ngày 21/6/2022 tại TAND quận Bình Chánh (TP HCM), chiều 4/8/2020, chị đi tập thể dục trong khuôn viên chung cư bị chó của bà Tuyết, 68 tuổi, cư dân tại đây, lao vào cắn, chảy máu đùi.

Sự việc được hai bảo vệ chung cư chứng kiến, lập biên bản. Lo sợ bị nhiễm bệnh dại, chị Dung đi khám, tiêm vaccine. Bà Tuyết không thăm hỏi, bồi thường.

Bà Tuyết sau đó chuyển về quận 7 sinh sống. Chị Dung phải tìm địa chỉ của bà để theo dõi tình trạng sức khỏe của con chó.

Cho rằng Ban Quản trị chung cư cũng không có ý kiến gì với sự cố, không có động thái chấn chỉnh việc cư dân nuôi chó tại đây, chị Dung khởi kiện bà Tuyết và Ban Quản trị, yêu cầu liên đới bồi thường 100 triệu đồng.

Bản án được TAND Tối cao công bố nêu tại phiên tòa phía bà Tuyết xác nhận việc chó mình cắn người, song bà có nhắn tin hỏi thăm, xin lỗi chị Dung trong nhóm chat của cư dân. Bà Tuyết chuyển nhà do hết thời hạn thuê. Do không thấy chị Dung đòi bồi thường, bà “nghĩ mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa”. Bà chấp nhận bồi thường song chỉ 10 triệu đồng.

Nêu quan điểm tại phiên tòa, đại diện Ban Quản trị chung cư cho rằng đã thực hiện đúng quy định chung cư và pháp luật về vấn đề nuôi chó, mèo trong chung cư.

Họ đã họp yêu cầu đăng ký vật nuôi ở chung cư, nhưng không thể kiểm soát được việc bà Tuyết không chấp hành. “Ban Quản trị không đồng ý liên đới bồi thường vì không có lỗi trong việc này”, người đại diện nêu.

Ban Quản trị tự nguyện bồi thường chị Dung 10 triệu đồng, do đó chị rút phần khởi kiện Ban Quản trị, chỉ kiện chủ chó, đòi bồi thường 80 triệu đồng.

TAND quận Bình Chánh nhận định, bà Tuyết phải bồi thường chị Dung, song tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở (1,49 triệu đồng x 50= 74,5 triệu đồng). Tòa ghi nhận bà Tuyết đề nghị bồi thường 8,5 triệu đồng, còn phải trả chị Dung 1,5 triệu đồng phí khám, đi lại và tiêm vaccine, bản án nêu.

Nuôi chó trong chung cư, có bị cấm?

Luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty Luật TNHH Fanci) nhận định, nuôi chó cũng là một hoạt động chăn nuôi được nhà nước cho phép, song phải đảm bảo một số quy định: thực hiện tiêm phòng dại cho chó theo đúng quy định pháp luật thú y; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh thú y; trường hợp chó, mèo tấn công gây thiệt hại thì phải bồi thường (Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018).

Với việc nuôi chó trong chung cư nói riêng, pháp luật hiện nay cũng đã có một số quy định. Điều 2 của Luật Chăn nuôi 2018 nêu: “Vật nuôi gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi”. Điều 35 Nghị định 99/2015 quy định “nghiêm cấm chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực chung cư”.

Luật sư cho rằng cần xác định rõ chó là “gia súc, hay gia cầm hay động vật khác trong chăn nuôi”, theo điều 2 Luật Chăn nuôi. Nếu chó thuộc danh mục “động vật khác” sẽ không bị cấm chăn thả trong khu vực chung cư. Quy định chưa rõ ràng nên việc được phép hoặc không được phép nuôi chó mèo ở chung cư là vấn đề nan giải, tranh cãi rất nhiều từ trước tới nay tại các chung cư.

Tháo gỡ điều này, tại Công văn 176 ngày 18/1/2021 về việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý sử dụng chung cư, Bộ Xây dựng nêu chó, mèo được xếp vào loại động vật khác, không thuộc danh mục gia súc, gia cầm.

“Do đó có thể hiểu, việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm. Nếu cấm nuôi chó tại chung cư thì đồng nghĩa với việc ban quản lý chung cư vi phạm luật pháp hiện nay”, luật sư phân tích và cho rằng nếu không thể ban hành quy định về “cấm nuôi chó”, người dân cùng ban quản lý Toà chung cư nên cùng tạo ra những quy định rõ ràng về điều kiện nuôi.





Dù việc nuôi chó mèo trong chung cư không bị luật cấm, vẫn có chung cư ra quy định này

Một số chung cư ra quy định cấm nuôi chó, mèo. Ảnh: Xuân Hoa

Một số quy định được luật sư Hải gợi ý như: Chỉ nuôi 1-2 con vật làm cảnh, không nuôi số lượng lớn để kinh doanh; khi ra nơi công cộng thì phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho người dân. Người chủ nếu cho phóng uế sai quy định thì bị phạt; có biện pháp cách âm, hạn chế tiếng ồn…

Ngoài ra, với một số loại chó kích thước lớn, hoặc có thể nguy hiểm cho cư dân như giống Pitbull, Husky, Rottweiler, Doberman Pinschers…, Bộ Xây dựng nên có công văn hướng dẫn về việc cấm, hạn chế nuôi tại các chung cư để đảm bảo an toàn, tránh những tai nạn đáng tiếc dẫn đến kiện tụng, luật sư nêu quan điểm.

* Tên nhân vật đã thay đổi

Hải Thư



Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *